Chủ Tịch Nước Campuchia

Chủ Tịch Nước Campuchia

Sáng 11/7/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia từ ngày 11-13/7/2024.

Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia

Thứ hai, 08/07/2024 17:35 (GMT+7)

(ĐCSVN) - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia từ ngày 11 đến ngày 13/7/2024.

Ngày 8/7, Bộ Ngoại giao ra Thông cáo: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith (Thoong-lun Xỉ-xu-lít) và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni (Pờ-rẹ Bạt Xăm-đéc Pờ-rẹ Bô-rôm-niết Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia từ ngày 11 đến ngày 13/7/2024./.

Chiều 13/7, tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Campuchia, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao đã gặp gỡ, nói chuyện thân mật với cán bộ nhân viên các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm ăn tại Campuchia.

Báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình hoạt động của cơ quan đại diện và cộng đồng trong thời gian qua, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho biết tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, các cơ quan đại diện Việt Nam bên cạnh Đại sứ quán luôn quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nỗ lực, phối hợp công tác hiệu quả, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực.

Đại sứ cho biết, cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia hiện có khoảng hơn 103.000 người, là cộng đồng có lịch sử hình thành lâu đời và là cộng đồng người Việt ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn nhất vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Trong khi đó, đại diện bà con Việt Nam tại Campuchia chia sẻ về tình hình của cộng đồng người gốc Việt sinh sống tại Campuchia, những nỗ lực hoà nhập cuộc sống sở tại, những nỗ lực đoàn kết trong cộng đồng và đóng góp cho hoạt động đoàn kết hữu nghị giữa hai nước; cộng đồng doanh nghiệp, dù còn gặp nhiều khó khăn, đã nỗ lực vươn lên, tuân thủ pháp luật nước sở tại, đóng góp vào việc tạo việc làm cho bà con trong cộng đồng và người dân địa phương.

Cùng với đó, bà con bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước ta đề nghị Chính phủ Campuchia tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào tại Campuchia trong các vấn đề quốc tịch, giáo dục, đào tạo, việc làm và có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hội đoàn người Việt, doanh nghiệp tại Campuchia, hỗ trợ học bổng cho con em có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng trường học, cơ sở giáo dục giúp các thế hệ người Việt tại Campuchia hội nhập sâu rộng, nâng cao trình độ để hòa nhập tốt với đời sống tại nước sở tại.

Trong không khí thân mật, đầm ấm, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết chuyến thăm tới Lào và Campuchia lần này nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đảng ta, ưu tiên củng cố, phát triển các mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), qua đó tăng cường hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, đóng góp cho sự ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực. Phía Campuchia đã dành cho Chủ tịch nước và đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thể hiện sự coi trọng và dành ưu tiên cao cho mối quan hệ hữu nghị đoàn kết truyền thống với Việt Nam.

Chia sẻ với bà con kiều bào, Chủ tịch nước cho biết trong các cuộc làm việc, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh việc tiếp tục dành ưu tiên cao cho củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Liên quan đến cộng đồng, Chủ tịch nước cũng đề nghị phía Campuchia tiếp tục có các chính sách thuận lợi giúp người gốc Việt sinh sống, làm việc, học tập phù hợp với luật pháp Campuchia, cũng như triển khai tốt công tác di dời, tái định cư, chuyển đổi nghề…

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng đề nghị phía Campuchia tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Campuchia, qua đó đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước của Campuchia.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia còn nhiều khó khăn trong đời sống; thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của bà con, tuy nhiên để có cuộc sống ổn định, bảo đảm được quyền lợi chính đáng của mình, bà con kiều bào cũng cần nâng cao địa vị pháp lý, ý thức tuân thủ các quy định, pháp luật sở tại, nỗ lực vươn lên, quan tâm đến việc tạo nền tảng giáo dục tốt các thế hệ sau.

Thời gian tới, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng góp sức của doanh nghiệp, Chủ tịch nước đề nghị Hội Khmer - Việt Nam, các hội đoàn người Việt tại Campuchia cùng toàn thể bà con không ngừng nỗ lực phấn đấu, tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, chấp hành tốt luật pháp sở tại, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia, nỗ lực hết mình đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại, cũng như hướng về quê hương đất nước và gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Chủ tịch nước đánh giá cao đồng chí Đại sứ và tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện khác tại Campuchia thời gian qua đã luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong việc gìn giữ, củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia; là cầu nối quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực; đồng thời, hết sức quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bà con người Việt.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng khẳng định với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với Campuchia, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng, hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng Hội Khmer - Việt Nam 20.000 USD để hỗ trợ Hội tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho bà con. Ngoài ra, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng trao tặng 200 phần quà động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn./.

Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trân trọng chuyển lời chia buồn sâu sắc, lòng tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Lào Xây dựng đất nước tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Đồng chí Thongloun Sisoulith đánh giá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo ưu tú của thời đại mới, người kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp vô cùng to lớn, quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác đối ngoại, được nhân dân tin tưởng và đã đưa Việt Nam không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, vị thế của Việt Nam được nâng cao rõ rệt trên trường quốc tế.

Đồng chí Thongloun Sisoulith nêu bật những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng Lào, luôn dành sự quan tâm, củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam; nhấn mạnh sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào cũng mất đi một người đồng chí, người bạn lớn vô cùng gắn bó, thân thiết.

Đồng chí cũng trao đổi một số nội dung hợp tác mà hai bên cùng quan tâm; ôn lại những kết quả cũng như những tình cảm đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc.

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước của Lào - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Tô Lâm chân thành cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã gửi Điện chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, để quốc tang 2 ngày và đặc biệt đã cử Đoàn cấp cao do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dẫn đầu sang dự lễ tang, thể hiện tình cảm đồng chí anh em sâu đậm, gắn bó thân thiết, thủy chung son sắt, kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn coi trọng hàng đầu, dành sự quan tâm đặc biệt, gắn bó với cách mạng Lào, gần gũi, thân thiết với các đồng chí lãnh đạo Lào, trong đó có cá nhân đồng chí Thongloun Sisoulith; luôn chăm lo và vun đắp cho quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, cũng như quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa ba Đảng, ba nước và nhân dân ba nước Việt Nam-Lào- Campuchia, coi đây là tất yếu khách quan, quy luật sống còn, nhân tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh, phát triển của mỗi nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng những thành tựu mà Lào đạt được trong thời gian qua; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước của Lào; tin tưởng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith sẽ thực thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, hoàn thành trong năm đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, AIPA trong năm 2024.

Chủ tịch nước cũng trao đổi một số nội dung hợp tác giữa hai bên, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, kết nối hai nền kinh tế.